ỦY BAN LOAN BÁO TIN MỪNG – HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM
72/12 Trần Quốc Toản – Võ Thị Sáu – Quận 3 – Tp.HCM – Việt Nam

Email: evangelization@cbc-vietnam.org; Đt: 0905.505.022

GỢI Ý SUY NIỆM CHẦU THÁNH THỂ – NĂM 2025
Cùng nhau loan báo Tin Mừng

ĐỀ TÀI 1 – KHỞI ĐẦU SỨ VỤ TRONG THÁNH THẦN
Tháng 12/2024

A. Lời Chúa – “Bấy giờ, Đức Giê-su được Thần Khí dẫn vào hoang địa, để chịu quỷ cám dỗ…” (Mt 4, 1-11).

B. Ơn xin trong giờ chầu – Xin cho con biết thi hành sứ vụ Chúa trao theo sự hướng dẫn của Thánh Thần.

C. Gợi ý suy niệm

1. Chúa Giêsu khởi đầu sứ vụ trong Thánh Thần

– Chúa Giêsu đã khởi đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng trong Thánh Thần. Thánh Mát-thêu tường thuật “Đức Giê-su được Thần Khí dẫn vào hoang địa.” (Mt 4, 1). Chúa Thánh Thần không chỉ hiện diện lúc khởi đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu nhưng Ngài hiện diện ngay từ khi khởi đầu công trình sáng tạo: “Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất. Đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm, và thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước” (St 1, 1-2).

– Ngày nay Chúa Thánh Thần vẫn tiếp tục đồng hành và hướng dẫn Hội Thánh trên con đường sứ vụ. “Chúa Kitô đã sai Chúa Thánh Thần từ Chúa Cha đến để Ngài thực hiện công trình cứu chuộc trong các tâm hồn và thúc đẩy Giáo Hội phát triển thêm mãi” (Sắc Lệnh Ad Gentes, 4).

– Chúa Thánh Thần vẫn đồng hành và hướng dẫn từng người chúng ta và đổ vào lòng chúng ta một tinh thần truyền giáo mà chính Chúa Giêsu đã đón nhận. Ngài chuẩn bị một cách hữu hình cho hành động truyền giáo, cũng như không ngừng dùng những phương thế khác nhau để theo sát và hướng dẫn vậy các hoạt động này (x. Sắc Lệnh Ad Gentes, 4).

Câu hỏi gợi ý suy tư: Chúa Giêsu đã khởi đầu sứ vụ của mình trong Chúa Thánh Thần. Tôi có khởi đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng trong Chúa Thánh Thần không?

Thinh lặng cầu nguyện ít phút, sau đó hát một bài thánh ca thích hợp

2. Chúa Giêsu khởi đầu sứ vụ bằng cầu nguyện và phân định

– Nhiều người nghĩ rằng việc truyền giáo đầu tiên là làm điều gì (hoạt động) nhưng không phải như thế. Việc truyền giáo đầu tiên là cầu nguyện như thế nào. Chúa Giêsu đã khởi đầu sứ vụ của mình bằng một cuộc cầu nguyện và phân định dài ngày. Trong khi cầu nguyện Chúa Giêsu nhận ra các mưu chước của ma quỷ và Ngài đã chiến thắng. Những cám dỗ của ma quỷ rất tinh vi và hợp lý nhưng chứa đựng nọc độc hủy hoại sứ vụ là: khiến người môn đệ thi hành sứ vụ theo ý riêng chứ không theo ý Thiên Chúa, nghĩa là làm điều mình muốn chứ không làm điều Chúa muốn. Thật vậy, cầu nguyện và phân định là hai thực tại liên hệ sâu thẳm với nhau và không thể tách rời. Sự phân định chỉ có thể thực hiện trong cầu nguyện và chỉ trong cầu nguyện mới có sự phân định rõ ràng đâu là ý Chúa và đâu là ý của con người hay ý của sự dữ.

– Không phải chỉ có Chúa Giêsu mới khởi đầu sứ vụ của mình bằng cầu nguyện và phân định mà tất cả các môn đệ chân chính của Ngài đều như thế, ví dụ Đức Maria (x. Lc 1, 26 – 38), các tông đồ trong dịp lễ Ngũ Tuần (x. Cv 2, 1 – 13) …. Giáo hội, qua Sắc Lệnh Truyền giáo Ad Gentes, lưu ý chúng ta một điều rất quan trọng là: “nhà trưyền giáo phải là con người cầu nguyện; phải được nung đúc bằng tinh thần can đảm, yêu thương và tự chủ…; phải lấy tinh thần hy sinh mang trên mình cuộc tử nạn của Chúa Giêsu để sự sống Chúa Giêsu tác động trong những người họ được sai đến; vì lòng nhiệt thành với các linh hồn, họ phải tự nguyện hy sinh mọi sự và tận hiến chính bản thân cho các linh hồn” (Sắc Lệnh Ad Gentes, 25).

– Chúa Thánh Thần luôn đồng hành với chúng ta trong đời sống và giúp chúng ta cầu nguyện sao cho đẹp lòng Thiên Chúa. “Hơn nữa, lại có Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên siết khôn tả. Và Thiên Chúa, Đấng thấu suốt tâm can, biết Thần Khí muốn nói gì, vì Thần Khí cầu thay nguyện giúp cho dân thánh theo đúng ý Thiên Chúa” (Rm 8, 26-27).

Câu hỏi gợi ý suy tư: Chúa Giêsu đã khởi đầu sứ vụ của mình bằng cầu nguyện và phân định. Tôi có khởi đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng trong bằng cầu nguyện và phân định không? Tôi thường cầu nguyện điều gì với Chúa? Có bao giờ tôi cầu nguyện cho các nhà truyền giáo và công việc truyền giáo của Hội Thánh không?

Thinh lặng cầu nguyện ít phút, sau đó hát một bài thánh ca thích hợp

3. Chúa Giêsu khởi đầu sứ vụ bằng cách làm theo ý Thiên Chúa

– Cám dỗ lớn nhất của người môn đệ truyền giáo là thi hành sứ mệnh theo ý riêng hơn theo ý Thiên Chúa. Thất bại lớn nhất của người môn đệ truyền giáo là, qua những việc mình làm, “danh tiếng” của mình được nhiều người biết đến nhưng Danh Đức Giêsu thì không. Nói cách khác, thất bại lớn nhất của người môn đệ truyền giáo là chỉ làm “sáng danh mình” chứ không làm sáng danh Chúa!

– Trong sứ vụ của Chúa Giêsu, Ngài đã cầu nguyện và nhận biết thánh ý của Thiên Chúa, thì ngay lập tức Ngài chọn lựa làm theo ý Thiên Chúa, cho dù phải trả giá bằng chính mạng sống của mình. Chính Ngài đã nói: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người” (Ga 4, 3). Các cám dỗ ma quỷ đưa ra cho Chúa Giêsu cũng chính là các dỗ trong hành trình sứ vụ: 1) cám dỗ thỏa mãn vật chất: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì truyền cho những hòn đá này hóa bánh đi”; 2) cám dỗ thỏa mãn quyền lực và danh vọng: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì gieo mình xuống đi! Vì đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá”; 3) cám dỗ thỏa mãn thói tham lam của cải thế gian: “Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi.”

Câu hỏi gợi ý suy tư: Chúa Giêsu đã khởi đầu sứ vụ của mình bằng cách làm theo ý Thiên Chúa. Tôi khởi đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng bằng cách làm theo ý ai? Tôi thi hành sứ vụ theo sát hướng dẫn của Hội Thánh hay chỉ theo một cách qua loa? Tôi đang tìm cách để sứ vụ của tôi thi hành ngày càng bám sát giáo huấn của Hội Thánh hay tôi đang tìm lý do để sứ vụ ấy ngày càng xa lạ với những điều Hội Thánh dạy?

Thinh lặng cầu nguyện ít phút, sau đó hát một bài thánh ca thích hợp

Lưu ý:

1. Những gợi ý cầu nguyện này có thể được suy niệm trong một giờ chầu hoặc mỗi giờ suy niệm một gợi ý. Điều quan trọng không phải là “suy niệm hết ý” nhưng là suy niệm sâu và cầu nguyện sốt sắng.

2. Tùy theo hoàn cảnh mỗi nơi, sau mỗi ý suy niệm, người hướng dẫn có thể mời gọi cộng đoàn dâng lời nguyện tự phát hoặc những hình thức khác thích hợp.

3. Các đề tài suy niệm trong năm 2025 có liên hệ mật thiết với nhau để làm nên một tiến trình “cùng nhau loan báo Tin Mừng”. Vì thế, người hướng dẫn (nếu chọn loạt bài gợi ý này) nên theo đến cùng thì sẽ hữu ích hơn.

Ủy ban Loan báo Tin mừng