Mười năm sau khi được thành lập, Ủy ban Giáo hoàng về Bảo vệ Trẻ vị thành niên đang ở một bước ngoặt trong sự tồn tại của mình. Vào tháng 4 năm 2022, trong bài phát biểu trước phiên họp toàn thể của Ủy ban, Đức Thánh Cha bày tỏ mong muốn Ủy ban có thể báo cáo với ngài hàng năm về các tiến trình được thực hiện trong Giáo hội để bảo vệ trẻ vị thành niên tốt hơn. Đức Phanxicô đã nhấn mạnh các từ “minh bạch” và “trách nhiệm” và hy vọng rằng báo cáo này có thể là “một cuộc kiểm toán rõ ràng” về những tiến bộ đã đạt được.

Do đó, báo cáo này là bước đầu tiên, một “dự án thí điểm”, như được trình bày bởi các thành viên của Ủy ban, chẩn đoán những gì đã được thực hiện tại một số Giáo hội địa phương, để đối phó tốt hơn với tai họa tấn công tình dục đối với trẻ vị thành niên trong Giáo hội. Đó là thành quả công việc của các thành viên Ủy ban với các Giáo hội địa phương, nhưng cũng là lời chứng của nhiều người còn sống sau các vụ tấn công tình dục.

Dài khoảng năm mươi trang, tài liệu được chia thành bốn phần: phần đầu có tựa đề Giáo hội địa phương giải trình. Nó dựa trên những gì các giám mục đã báo cáo trong chuyến viếng thăm ad limina của họ tới Rôma, nhưng cũng dựa trên các cuộc khảo sát thực địa. Phần này liệt kê các thủ tục được thực hiện ở khoảng 15 quốc gia cũng như bởi hai dòng tu (Dòng nữ tu thừa sai Đức Bà An Ủi và Dòng Spiritains).

Phần thứ hai, có tựa đề Sứ mạng bảo vệ của Giáo hội tại các khu vực lục địa, là kết quả công việc của các nhóm khu vực thuộc ủy ban và liên quan đến cấp độ khu vực hơn. Phần thứ ba liên quan đến Các chính sách và thủ tục được áp dụng trong Giáo triều Rôma để phục vụ các Giáo hội địa phương và sau cùng, phần cuối cùng tập trung vào Thừa tác vụ bảo vệ của Giáo hội trong xã hội.

Sự không cân đối của các hoàn cảnh

Trong báo cáo này, Ủy ban Giáo hoàng chia sẻ nhiều ghi nhận vốn là những đường hướng quan trọng để hiểu công việc của mình. Không có gì đáng ngạc nhiên, nhận xét đầu tiên là có sự chênh lệch lớn về các công cụ được áp dụng ở cấp địa phương trong cuộc chiến chống tội phạm ấu dâm. Ủy ban thừa nhận: “Đối với một số Giáo hội, vấn đề lạm dụng đã được công nhận và công khai từ hơn một thế hệ, đối với những Giáo hội khác, vấn đề này vẫn chưa trở thành một vấn đề công khai trong xã hội”.

Do đó, các biện pháp được thực hiện bởi 17 Hội đồng Giám mục đã được xem xét kỹ lưỡng, trong đó có nhiều quốc gia châu Phi (DRC, Tanzania, Cameroon, Rwanda, Zimbabwe, Ghana, v.v.), cũng như Hội đồng Giám mục Bỉ và Mexico. Các HĐGM này cũng là đối tượng của các khuyến nghị để đào sâu công việc của họ. Báo cáo viết: “Đôi khi, Ủy ban ghi nhận sự thiếu hụt đáng lo ngại về cơ cấu liên lạc và dịch vụ đồng hành với các nạn nhân/nhữngngười còn sống, theo yêu cầu của Tự sắc Vos estis lux mundi”.

Diễn tả về những chênh lệch này, các khuyến nghị của Ủy ban: ví dụ như ở nơi mà Giáo hội Bỉ được khuyên nên phát triển văn hóa bảo vệ trong mục vụ giới trẻ, thì việc ghi nhận hoàn toàn không giống như ở Cộng hòa Dân chủ Congo, nơi các chuyên gia từ Ủy ban Giáo hoàng lấy làm tiếc về “sự lên án rộng lớn hơn của xã hội xung quanh việc bảo vệ như là một ý thức hệ phương Tây áp đặt vốn không đáp ứng với những thách thức của Châu Phi”.

Một công việc của “sự thật”

Ủy ban cũng nhắc nhở rằng công việc minh bạch như vậy là nhằm phục vụ sự thật. Một sự thật giải phóng như Tin Mừng dạy. Ủy ban Giáo hoàng giải thích: “Việc bảo vệ trẻ em khỏi bị lạm dụng không phải là sự xao lãng công việc loan báo Tin Mừng của Giáo hội, mà là một biểu hiện của việc loan báo này”.

Đòi hỏi này cũng được áp dụng cho các cơ cấu của Giáo triều Rôma. Do đó, trong số các mục tiêu của nó, bản báo cáo lưu ý “sự cần thiết phải củng cố và làm rõ các thẩm quyền được các Bộ của Giáo triều Rôma nắm giữ, để đảm bảo việc quản lý hiệu quả, kịp thời và nghiêm ngặt các trường hợp lạm dụng được đệ trình lên Tòa Thánh”.

Dựa trên những lời chứng nhận được, Ủy ban lưu ý nghiêm túc “mối quan tâm dai dẳng liên quan đến tính minh bạch của các thủ tục và quy trình pháp lý của Giáo triều Rôma”. Ủy ban lưu ý, điều này chỉ có thể khuếch đại “sự ngờ vực giữa các tín hữu, đặc biệt là cộng đồng các nạn nhân/những người còn sống”.

Những bước tích cực cho tương lai

Trong một phần rất chi tiết có nhiều đồ họa thông tin, báo cáo sau đó đề cập đến “văn hóa bảo vệ” ở mỗi châu lục. Trong mục Châu Mỹ, báo cáo ghi nhận, trong số những điểm tích cực, công việc lâu dài, vì các công cụ đầu tiên liên quan đến bảo vệ đã có từ năm 1987 đối với Canada sau đó là năm 1992 đối với Hoa Kỳ. Vai trò quan trọng của giáo dân và đặc biệt là phụ nữ trong công việc cũng được ghi nhận. Những điểm vẫn cần cải thiện liên quan đến sự mất cân bằng giữa Bắc và Nam Mỹ trong nhận thức về tai họa lạm dụng hoặc thách thức của một số xã hội quá bạo lực, nơi trẻ em đặc biệt dễ bị tổn thương, đặc biệt là ở các nước Trung Mỹ.

Mục Châu Phi hoan nghênh sự hợp tác của một số Hội đồng Giám mục địa phương với Ủy ban Giáo hoàng, chẳng hạn như của các quốc gia Đông Phi (AMACEA) hoặc Ấn Độ Dương (CEDOI) và nỗ lực của một số dòng tu trên lục địa để thực hiện việc đào tạo về bảo vệ trẻ vị thành niên. Nhưng nhiều điểm đen được liệt kê, tất cả đều là những trở ngại cho công tác minh bạch: thiếu dữ liệu số lượng, thiếu sót trong việc giám sát các trường hợp lạm dụng và nói chung hơn, sự kiện là văn hóa bảo vệ vẫn còn là “một khái niệm mới trong khu vực” .

Liên quan đến Châu Âu, những nỗ lực của các Giáo hội địa phương được ca ngợi vì sự cộng tác của họ với chính quyền dân sự hoặc việc một số Hội đồng Giám mục thiết lập các cơ cấu đền bù cho các nạn nhân của tội phạm ấu dâm. Trái lại, hậu quả của cuộc khủng hoảng lạm dụng đối với thừa tác vụ của nhiều bề trên tu sĩ, nam cũng như nữ, lại được nêu bật. Họ phải đích thân đồng hành với các nạn nhân trong khi thỉnh thoảng sống cùng cộng đồng với một trong những kẻ săn mồi. Trong số những điểm yếu cũng được xác định trên lục địa châu Âu là sự thất vọng lớn lao của các nạn nhân phải đối mặt với sự mù mờ của các quy tắc giáo luật mà trường hợp của họ được xử lý.

Cuối cùng đối với khu vực Châu Á-Châu Đại Dương, nếu những nỗ lực được hoan nghênh trong việc thiết lập các cơ cấu nhằm nâng cao nhận thức về xâm phạm tình dục đối với trẻ vị thành niên (chẳng hạn như trung tâm Joseph ở Bombay, khánh thành vào năm 2021), thì những thách thức vẫn còn đáng kể: các trường hợp bị cản trở bởi cơ cấu phẩm trật truyền thống, văn hóa gia trưởng, tham nhũng hoặc sợ bị trả thù.

Công việc của Caritas Quốc tế và nhiều Caritas khu vực (Châu Đại Dương, Chilê, Nairobi) cũng được xem xét kỹ lưỡng trong báo cáo này. Về mặt này, Ủy ban ghi nhận những tiến bộ mà các tổ chức này đạt được trong những năm gần đây trong việc ngăn chặn lạm dụng, nhưng lo ngại về “sự khác biệt đáng kể trong thực hành bảo vệ trong số các thực thể Caritas khác nhau”.

Tiến trình “hoán cải”

Báo cáo này nhằm mục đích khởi đầu một quá trình: đó là sự hoán cải ngày càng lớn hơn của Giáo hội sang văn hóa phòng chống lạm dụng. Đối với các tác giả của nó, một sự hoán cải nhất thiết phải bao gồm bốn trục chính: sự thật, công lý, sự bồi thường và bảo đảm không tái diễn những tội ác này.

Trên cơ sở báo cáo thí điểm này, Ủy ban Giáo hoàng về Bảo vệ Trẻ vị thành niên mong muốn được nghe từ 15 đến 20 Hội đồng Giám mục mỗi năm. Với cùng tham vọng: “thúc đẩy việc chuyên nghiệp hóa công việc bảo vệ trong Giáo hội”.

Chuyển ngữ: Tý Linh
Chuyển ngữ từ: vaticannews.va
Nguồn: xuanbichvietnam.net