
Mùa Chay tập trung vào sự hoán cải. Kinh Confiteor – Kinh Cáo mình cũ – đưa chúng ta đến với “hai thánh tông đồ, Phêrô và Phaolô.” Một linh mục người Úc từng gọi hai ngài là “hai anh chàng vướng vào nhiều chuyện trong quá khứ.” Và, theo một vài cách hiểu nào đó, hai ngài không phải là những con người hay ho gì mấy. Có lẽ đó là lý do tại sao hai ngài là những người cầu bầu thích hợp cho chúng ta, vốn là những tội nhân.
Thánh Phêrô có tính cách khá dữ dội, có lẽ không phải là điều bất thường đối với một người dành nhiều thời gian trên mặt nước, kể cả việc ông muốn bước đi trên mặt nước. Ông chắc chắn không phải là người thích ẩn dật, mặc dù những người bạn ngư phủ của ông, “những người con của sấm sét”, Giacôbê và Gioan cũng không khác bao nhiêu.
Ở giai đoạn đầu, Phêrô khá nổi bật. Chúa Giêsu muốn rao giảng cho đám đông trên bờ biển và sử dụng thuyền của Phêrô như một bục giảng nổi trên mặt nước. Sau đó, Ngài thúc giục Phêrô ra khơi và thả lưới để bắt cá. Phêrô có phần coi thường, khăng khăng rằng ông đã làm việc suốt đêm mà chẳng bắt được gì để chứng minh sự vất vả của mình. Nhưng ông đủ mở lòng để chiều theo người thợ mộc quê Nadarét vốn là người sống trên bờ. Đó là tất cả những gì Chúa Giêsu cần. Rồi thì lưới của Phêrô đầy ắp những sản vật phong phú của biển cả đến mức gần như rách toang.
Điều đáng nói là phản ứng của Phêrô. Không chỉ là sự ngạc nhiên hay tò mò. Phêrô nhận ra một dấu chỉ sâu xa trong những gì đã xảy ra và thưa với Chúa Giêsu, “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!” (Lc 5:8). Phêrô, giống như bất cứ người Do Thái ngoan đạo nào, nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa cận kề bên mình. Và, giống như Isaia thuở xưa thốt lên: “Khốn thân tôi, tôi chết mất! Vì tôi là một người môi miệng ô uế, tôi ở giữa một dân môi miệng ô uế, thế mà mắt tôi đã thấy Đức Vua là Chúa các đạo binh!” (Is 6:5-7), Phêrô thú nhận tội lỗi của mình.
Phản ứng của phàm nhân đối với Thiên Chúa đã được nhà thần học Tin lành Luther người Đức Rudolf Otto hiểu rất rõ. Ông nói về Chúa như Mysterium tremendum et fascinans – Bí nhiệm vĩ đại và đáng sợ khiến chúng ta say mê. Đối mặt với sự thánh thiện của Thiên Chúa, phản ứng đầu tiên của chúng ta là rút lui – hãy nghĩ đến Adam và Eva trốn trong Vườn Địa đàng. Đồng thời, Thiên Chúa thu hút chúng ta. Chúng ta muốn ở lại. Có điều gì đó ở Ngài khiến chúng ta say mê.
Chìa khóa để hoán cải là cho phép sự hấp dẫn đó vượt qua phản ứng muốn bỏ chạy. Chúa Giêsu không rời bỏ Phêrô, ngay cả khi biết rằng vị tông đồ này sẽ thất thường như thế nào. Ngay cả sau khi Phêrô chối Chúa Giêsu trong sân vị Thượng tế – một sự chối bỏ mà Chúa Giêsu đã báo trước – Luca đã đề cập đến một chi tiết quan trọng. Sau khi gà gáy, “Chúa quay lại nhìn ông” (Lc 22:61). Một lần nữa, Chúa Giêsu không bỏ Phêrô, mặc dù Phêrô đã chối bỏ Chúa Giêsu.
Và Chúa Giêsu, sau khi Phục sinh, thậm chí còn ban cho “người tội lỗi” này ba cơ hội để sửa chữa ba lần chối Chúa của mình (Ga 21:15-19). Và điều đó xảy ra sau một mẻ cá kỳ diệu khác!
Hành vi của Phêrô là bài học cho chúng ta, vốn là những tội nhân. Trước hết, hành vi đó dạy chúng ta không được trốn chạy khỏi Thiên Chúa. Thiên Chúa luôn sẵn sàng đón nhận bất cứ tội nhân nào thú nhận tội lỗi của mình: Ngài thậm chí còn vượt quá suy nghĩ và mong ước của họ, như người cha của đứa con hoang đàng đã làm. “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Chúa Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo” (Rm 8:35-39). Người duy nhất có thể tách tôi ra khỏi Thiên Chúa chính là… tôi, bằng cách trốn chạy hoặc bằng sự chai lì dai dẳng của tôi trong tội ác.
Thứ hai, chúng ta học được giá trị của sự ăn năn. Sau khi phản bội, Phêrô và Giuđa đều khóc. Sự khác biệt là nước mắt của Phêrô là nước mắt ăn năn, nhận ra mình đã sai lầm và ăn năn về điều đó. Nước mắt của Giuđa chỉ đơn thuần là sự hối tiếc, nhận ra mình đã làm sai, nhưng tuyệt vọng vì không tin vào sự tha thứ. Ông đã bị khuất phục trước cơn cám dỗ mà tất cả chúng ta đều phải đối mặt: làm sao mà Thiên Chúa có thể tha thứ cho tôi được? Ngay cả lòng thương xót của Thiên Chúa cũng không thể làm cách nào để tha thứ cho một tội nhân quá tội lỗi như tôi được. Thật là một sự kiêu ngạo đáng sợ.
Ở nhiều phương diện, Phêrô không phải là một hình mẫu, ít nhất là trong ba năm Chúa Giêsu rao giảng công khai. Khi nói đến cái tôi của riêng mình, Phêrô có thể tỏ ra rất bạo dạn. Nhưng khi nói đến Chúa Giêsu, sự mạnh bạo đó đã sụp đổ.
Tuy nhiên, điều quan trọng là Phêrô biết chính mình và với ân sủng của Chúa, ông đã hiểu rõ bản thân mình hơn. Đó là lý do tại sao ông có thể phạm tội rất lớn, nhưng cũng đã biết ăn năn.
Nhà thơ người Ba Lan Roman Brandstaetter đã viết về những gì xẩy ra vào đêm Thứ Năm Tuần Thánh trong sân của vị Thượng tế. Ông mô tả một bầy quỷ đang hát một bài kinh cầu với Phêrô:
Ôi Phêrô, tảng đá, vị thánh bảo trợ của những kẻ chối bỏ; vị thánh bảo trợ của những kẻ run sợ; vị thánh bảo trợ của những kẻ bỏ chạy; vị thánh bảo trợ của những kẻ ẩn nấp; vị thánh bảo trợ của những kẻ giả vờ không biết gì; vị thánh bảo trợ của những kẻ nhắm mắt làm ngơ; vị thánh bảo trợ của những kẻ tránh xa ngọn lửa.
Những biệt hiệu đó có thể khiến người ta thất vọng. Nhưng Phêrô không dừng lại ở đó vì, theo lời tác giả, ông cũng thấy, “một thiên thần với đầu chú gà trống băng qua sân, toàn thân thiên thần run rẩy”. Và chính khi nhận ra ân sủng đó Phêrô đã có thể ăn năn.
Nhưng điều cũng quan trọng là, bất chấp những sai lầm thực sự này, Phêrô cũng là người nhận được “chìa khóa của Nước Trời”. Chúa Giêsu thông truyền cho tất cả các Tông đồ năng quyền tha thứ tội lỗi: “Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20:23). Nhưng Ngài đặc biệt trao quyền ràng buộc và tháo cởi cho Phêrô, đó lời hứa về những gì Phêrô ràng buộc hoặc tháo cởi trên trần gian sẽ được ràng buộc hoặc tháo cởi trên thiên đàng: “Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy” (Mt 16:19). Phêrô, người có tội cần được tha thứ, nhưng vẫn được giao phó việc tiếp tục công việc căn bản của Chúa Giêsu: đó là tha thứ tội lỗi. Bởi vì Chúa Giêsu đến trần gian không ngoài lý do nào khác là “vì chúng ta và để cứu rỗi chúng ta”, như chúng ta khẳng định mỗi Chúa nhật với lời tuyên xưng trong kinh Tin kính. Nếu chúng ta thực sự tin điều đó, thì công việc đó phải tiếp tục.
Nhưng công việc đó không phải là một việc trên lý thuyết: Chúa Giêsu đã tha thứ tội lỗi của “con người”. Chúa Giêsu làm cho việc tha thứ tội lỗi của con người trở nên khả thi. Nhưng khả năng đó cần phải được áp dụng trong thực tế. Và Chúa Giêsu giao phó cho những tội nhân thực hiện công việc cụ thể đó cho những tội nhân, miễn là tất cả tội nhân đều có lòng muốn không phạm tội nữa.
Ít nhất là trong lúc này. Ít nhất là trong một cố gắng chân thành. Ít nhất là để Chúa đánh động các tội nhân.
Chúng ta đã nói trước đó rằng Phêrô đã giong thuyền ra khơi Galilê rộng lớn, có lẽ ông không hoàn toàn tin vào lời chỉ bảo của Chúa Giêsu, nhưng “đủ rộng lòng” để chấp nhận rủi ro. Chúa chỉ cần một kẽ hở nho nhỏ để rồi Ngài làm nổ tung và mở toang kẽ hở đó của chúng ta – nếu chúng ta sẵn lòng để cho Ngài làm như vậy. Mùa Chay này, chúng ta hãy để cho Ngài làm như vậy.
Phêrô Phạm Văn Trung
Chuyển ngữ từ: catholicworldreport.com (02/4/2025)