Chúa đó (Ga 21, 1-14)- 04.05.2025 – Chúa nhật Tuần 3 Mùa Phục sinh, năm C

Bài Ðọc I: Cv 5, 27b-32. 40b-41

Bài trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, thầy thượng tế hỏi các tông đồ rằng: “Ta đã ra lệnh cấm các ngươi nhân danh ấy mà giảng dạy. Thế mà các ngươi đã giảng dạy giáo lý các ngươi khắp cả Giêrusalem; các ngươi còn muốn làm cho máu người đó lại đổ trên chúng tôi ư?” Phêrô và các tông đồ trả lời rằng: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người ta. Thiên Chúa cha ông chúng ta đã cho Ðức Giêsu sống lại, Ðấng mà các ông đã giết khi treo Người trên thập giá. Thiên Chúa đã dùng quyền năng tôn Ngài làm thủ lãnh và làm Ðấng Cứu Ðộ, để ban cho Israel được ăn năn sám hối và được ơn tha tội. Chúng tôi là nhân chứng các lời đó cùng với Thánh Thần, Ðấng mà Thiên Chúa đã ban cho mọi kẻ vâng lời Người!” Họ ra lệnh đánh đòn các tông đồ và tuyệt đối cấm không được nhân danh Ðức Giêsu mà giảng dạy nữa, đoạn tha các ngài về. Vậy các ngài ra khỏi công nghị, lòng hân hoan vì thấy mình xứng đáng chịu sỉ nhục vì Danh Ðức Giêsu.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp: Lạy Chúa, con ca tụng Chúa vì đã giải thoát con.

Xướng: 1) Lạy Chúa, con ca tụng Chúa vì đã giải thoát con, và không để quân thù hoan hỉ về con. Lạy Chúa, Ngài đã đưa linh hồn con thoát xa Âm phủ, Ngài đã cứu con khỏi số người đang bước xuống mồ.

Ðáp: Lạy Chúa, con ca tụng Chúa vì đã giải thoát con.

2) Các tín đồ của Chúa, hãy đàn ca mừng Chúa, và hãy cảm tạ thánh danh Ngài. Vì cơn giận của Ngài chỉ lâu trong giây phút, nhưng lòng nhân hậu của Ngài vẫn có suốt đời. Chiều hôm có gặp cảnh lệ rơi, nhưng sáng mai lại được mừng vui hoan hỉ.

Ðáp: Lạy Chúa, con ca tụng Chúa vì đã giải thoát con.

3) Lạy Chúa, xin nhậm lời và xót thương con, lạy Chúa, xin Ngài gia ân cứu giúp con. Chúa đã biến đổi lời than khóc thành khúc nhạc cho con; lạy Chúa là Thiên Chúa của con, con sẽ tán tụng Chúa tới muôn đời.

Ðáp: Lạy Chúa, con ca tụng Chúa vì đã giải thoát con.

 

Bài Ðọc II: Kh 5, 11-14

Bài trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan.

Tôi là Gioan, đã thấy và nghe tiếng các thiên thần đông đảo vòng quanh ngai vàng, tiếng các sinh vật và các vị kỳ lão; số họ đông hằng ngàn hằng vạn, họ lớn tiếng tung hô rằng: “Chiên Con đã bị giết, xứng đáng lãnh nhận quyền năng, phú quý, khôn ngoan, sức mạnh, danh dự, vinh quang và lời chúc tụng”. Tôi lại nghe mọi thọ tạo trên trời, trên đất, dưới đất, trên biển và dưới biển, tung hô rằng: “Chúc Ðấng ngự trên ngai và chúc Chiên Con được ca tụng, danh dự, vinh quang, quyền năng đến muôn đời”. Bốn sinh vật thưa: “Amen”, và hai mươi bốn vị kỳ lão sấp mặt xuống và thờ lạy Ðấng hằng sống muôn đời.

Ðó là lời Chúa.

 

Alleluia:

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Con chiên Ta thì nghe tiếng Ta; Ta biết chúng và chúng theo Ta”. – Alleluia.

 

Phúc Âm: Ga 21, 1-14 {hoặc 1-19}

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, lúc các môn đệ đang ở bờ biển Tibêria, Chúa Giêsu lại hiện đến. Công việc đã xảy ra như sau: “Simon-Phêrô, Tôma (cũng gọi là Ðiđymô), Nathanael quê tại Cana xứ Galilêa, các con ông Giêbêđê, và hai môn đệ khác nữa đang ở với nhau. Simon Phêrô bảo: “Tôi đi đánh cá đây”. Các ông kia nói rằng: “Chúng tôi cùng đi với ông”. Mọi người ra đi xuống thuyền. Nhưng đêm ấy các ông không bắt được con cá nào. Lúc rạng đông, Chúa Giêsu hiện đến trên bờ biển, nhưng các môn đệ không biết là Chúa Giêsu. Người liền hỏi: “Này các con, có gì ăn không?” Họ đồng thanh đáp: “Thưa không”. Chúa Giêsu bảo: “Hãy thả lưới bên hữu thuyền thì sẽ được”. Các ông liền thả lưới và hầu không kéo nổi lưới lên, vì đầy cá. Người môn đệ Chúa Giêsu yêu liền nói với Phêrô: “Chính Chúa đó”. Simon Phêrô nghe nói là Chúa, liền khoác áo vào, vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. Các môn đệ khác chèo thuyền vào và kéo lưới đầy cá theo, vì không còn xa đất bao nhiêu, chỉ độ hai trăm thước tay.

Khi các ông lên bờ, thấy có sẵn lửa than, trên để cá và bánh. Chúa Giêsu bảo: “Các con hãy mang cá mới bắt được lại đây”. Simon Phêrô xuống thuyền kéo lưới lên bờ. Lưới đầy toàn cá lớn; tất cả được một trăm năm mươi ba con. Dầu cá nhiều đến thế, nhưng lưới không rách. Chúa Giêsu bảo rằng: “Các con hãy lại ăn”. Không ai trong đám ngồi ăn dám hỏi “Ông là ai?”, vì mọi người đã biết là Chúa. Chúa Giêsu lại gần, lấy bánh trao cho các môn đệ; Người cũng cho cá như thế. Ðây là lần thứ ba, Chúa Giêsu đã hiện ra với các môn đệ khi Người từ cõi chết sống lại.

[Vậy khi các Ngài đã điểm tâm xong, Chúa Giêsu hỏi Simon Phêrô rằng: “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy hơn những người này không?” Ông đáp: “Thưa Thầy: Có, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Người bảo ông: “Con hãy chăn dắt các chiên con của Thầy”. Người lại hỏi: “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không?” Ông đáp: “Thưa Thầy: Có, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Người bảo ông: “Con hãy chăn dắt các chiên con của Thầy”. Người hỏi ông lần thứ ba: “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không?” Phêrô buồn phiền, vì thấy Thầy hỏi lần thứ ba: “Con có yêu mến Thầy không?” Ông đáp: “Thưa Thầy, Thầy biết mọi sự: Thầy biết con yêu mến Thầy”. Người bảo ông: “Con hãy chăn dắt các chiên mẹ của Thầy. Thật, Thầy bảo thật cho con biết: khi con còn trẻ, con tự thắt lưng lấy và đi đâu mặc ý, nhưng khi con già, con sẽ giang tay ra, người khác sẽ thắt lưng cho con và dẫn con đến nơi con không muốn đến”. Chúa nói thế có ý ám chỉ Phêrô sẽ chết cách nào để làm sáng danh Thiên Chúa. Phán những lời ấy đoạn, Người bảo ông: “Con hãy theo Thầy”.Ðó là lời Chúa.

BÀI 1: HÃY CHĂN DẮT CHIÊN CỦA THẦY

Suy Niệm

Từ chương 13 trong Tin Mừng thứ Tư, bỗng nhiên xuất hiện
một nhân vật bí ẩn mang tên “người Môn đệ Chúa yêu.”
Có vẻ người môn đệ này trội hơn Simôn Phêrô nhiều mặt.
Trong bữa tiệc ly, anh này nằm gần Chúa hơn Simôn.
Anh nằm bên lòng Chúa, sát bên ngực Chúa (Ga 13,23-25).
Simôn nằm xa hơn, nên phải làm hiệu, nhờ anh hỏi dùm
xem Thầy muốn nói ai là kẻ sẽ nộp Thầy.
Trong khi Simôn chối Thầy ba lần trong dinh vị thượng tế,
dù trước đó ông đã chém đứt tai tên đầy tớ của vị này,
thì người Môn đệ Chúa yêu lại là người đứng bên thập giá,
đứng bên cạnh thân mẫu của Thầy (Ga 19,26-27).
Chính anh được làm con của Bà và đưa Bà về nhà mình.
Buổi sáng Phục sinh, Simon Phêrô và anh cùng chạy ra mộ,
nhưng người Môn đệ Chúa yêu chạy nhanh hơn,
và có vẻ anh cũng tin nhanh hơn Phêrô (Ga 20,4.8).

Khi Chúa phục sinh tỏ mình cho bảy môn đệ ở biển hồ Tibêria,
ta thấy có sự hiện diện của anh Môn đệ Chúa Giêsu yêu.
Sau khi mẻ cá lạ xảy ra, một lần nữa,
anh lại tỏ ra là người nhạy bén hơn Phêrô,
khi nhận ra người đàn ông đứng trên bãi biển là ai.
Anh nói nhỏ với Phêrô: “Chúa đó!” (Ga 21,7).
Người Môn đệ Chúa yêu thật là một khuôn mẫu lý tưởng
về sự gần gũi, thân thiết với Thầy.
Anh có mặt trong những lúc quan trọng của đời Thầy.
Anh đồng hành với Phêrô gần như hình với bóng.
Chúa ban cho anh nhiều ơn đặc biệt,
anh đã khiêm tốn đón nhận và dùng để giúp anh em.
Không hề có sự tranh dành quyền lực giữa anh với Phêrô.
Anh rất tôn trọng vị thế của Phêrô trong nhóm.

Phêrô có thể không nhạy bén bằng người Môn đệ Chúa yêu,
nhưng ông được chọn đứng đầu nhóm môn đệ.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Phêrô đưa ra một đề nghị,
cũng là một lời mời kín đáo: “Tôi đi đánh cá đây!”
Lời mời này được cả nhóm tán thành: “Chúng tôi cùng đi với anh.”
Thế là bảy môn đệ xuống thuyền đi đánh cá.
Chuyến ra khơi này tượng trưng cho Giáo hội hiệp hành,
một Giáo hội có người lãnh đạo, có sự đồng tâm nhất trí,
một Giáo hội cùng đi với nhau, cùng làm việc với nhau,
cùng chia sẻ một thất bại hay một thành công.
Có khi cả đêm không được con cá nào.
Có khi gặp mẻ cá đầy những cá lớn mà lưới không rách.
Lúc vui, lúc buồn, lúc nào họ cũng “ở với nhau” (Ga 21,2).

Phêrô có thể không nhạy bén bằng người Môn đệ Chúa yêu,
nhưng ông là người đầu tiên lên bờ để gặp Chúa.
Ông bơi nhanh hơn con thuyền đang kéo lê lưới đầy cá,
vì ông muốn gặp Chúa càng sớm càng tốt.
Ông là người xuống thuyền để kéo lưới cá vào bờ (Ga 21,11).
Sau bữa ăn sáng, Chúa đã muốn nói chuyện riêng với Phêrô.
Bên đống lửa, Chúa cho thấy Ngài đã tha thứ cho ông,
và cho ông có cơ hội bày tỏ tình yêu, xóa đi các vấp ngã.
Những điệp khúc được nhắc đi nhắc lại:
“Con có yêu Thầy không?” “Thầy biết con mến Thầy.”
Tất cả dẫn đến việc trao cho Phêrô sứ mạng chăn dắt chiên.
Đây là đàn chiên của Thầy, đàn chiên Thầy yêu quý.
Theo truyền thống, người Môn đệ Chúa yêu không chịu tử đạo.
Còn đối với Phêrô, Chúa đã tiên báo cái chết của ông.
Khi về già, ông không được đi đâu tùy ý,
và sẽ bị dẫn đến nơi ông chẳng muốn (Ga 21,18-19).

Giáo hội luôn cần có Phêrô và người Môn đệ Chúa yêu.
Hai khuôn mặt có vẻ tương phản, nhưng lại bổ sung cho nhau.
Cả hai phải đi với nhau, dựa vào nhau, lắng nghe nhau.
Giáo hội hôm nay đa dạng về suy nghĩ, cách nhìn, hướng đi.
Ước gì chúng ta vẫn hiệp hành, vẫn chờ nhau,
không buông tay nhau trong lúc khó khăn nhất.

Cầu Nguyện

Lạy Chúa,
Con tự hào mình biết phân định,
xin cho con biết để ý đến sự phân định của người khác.


Con sống có nguyên tắc hẳn hoi,
xin cho con biết người khác cũng có nguyên tắc của họ.


Con có tri thức và kinh nghiệm,
xin cho con đừng khép lại và tự mãn,
vì tri thức thì vô tận,
và kinh nghiệm thì bao giờ cũng mới.


Con có bản lãnh và lập trường vững chắc,
xin cho con biết mở ra
để đón lấy những gì làm lập trường đó bị lung lay,
và vui sướng khi thấy mình đã đổi lập trường.


Lạy Chúa,
Xin cho con mềm mại hơn, nhẹ nhàng hơn, hiền lành hơn,
biết nhận ra và nâng niu những cố gắng nhỏ bé của anh em,
nhờ biết đặt mình trong hoàn cảnh của người khác.


Xin cho con tìm kiếm chân lý với trọn cả tâm hồn,
để chân lý làm con được tự do. 

 

BÀI 2: CHÚA ĐÓ

Suy Niệm

Bảy môn đệ trở về với nghề xưa,
trở về Biển Hồ quen thuộc đầy ắp kỷ niệm thầy trò.
Dù đã chối Chúa, Phêrô vẫn được coi là thủ lĩnh.
Ông không ra lệnh, nhưng đưa ra lời mời kín đáo:
“Tôi đi đánh cá đây.”
Các bạn khác hiểu ngay và mau mắn đáp lại:
“Chúng tôi cùng đi với anh.”
Có một bầu khí dễ chịu, đầm ấm trong nhóm.
Ðây quả thực là một nhóm bạn lý tưởng.
Họ ở với nhau, làm việc với nhau cả đêm,
và lặng lẽ cùng nhau chia sẻ một thất bại.

Tuy nhiên, họ cũng là những người có tính tình khác nhau.
Người môn đệ Ðức Giêsu thương mến
thì nhạy cảm hơn, nhận ra Chúa Phục Sinh đứng trên bờ.
Nhưng sau đó, ông cứ điềm nhiên ngồi lại trong thuyền.
Còn Phêrô thì nồng nhiệt hơn, vội vã mặc áo,
nhảy tùm xuống nước bơi vào bờ, vì nóng lòng muốn gặp Chúa.
Hai phản ứng khác nhau nhưng cùng diễn tả một tình yêu.

Có thể coi nhóm môn đệ trên là hình ảnh của Hội Thánh.
Hội Thánh hiệp nhất ngay giữa những khác biệt.
Sự hiệp nhất lại làm nổi bật bản sắc mỗi người.

Ðây không phải là một nhóm bạn khép kín,
nhưng là nhóm bạn được Chúa Phục Sinh sai ra khơi.
Chính sự hiện diện và lệnh truyền của Ngài
là bảo đảm cho thành công của những lần buông lưới.
Hội Thánh là một nhóm nhỏ được sai vào thế giới.
“Không có Thầy anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5).
Nhưng có Thầy, anh em sẽ được những mẻ cá lớn.

 

Nhóm bạn được sai đi cũng là nhóm bạn được quy tụ,
được sai đi bởi Chúa và được quy tụ lại bên Chúa.
Chúa Phục Sinh trở thành người dọn bữa ăn sáng.
Ngài cầm lấy bánh trao cho các ông.
Cử chỉ này gợi cho ta về những Thánh lễ.
Chúng ta thường quên mỗi Thánh lễ là một bữa ăn.
qua đó Chúa Phục Sinh nuôi ta bằng con người Ngài.
Chúng ta được mời dùng bữa trong niềm hân hoan vui sướng.
Hội Thánh truyền giáo phải được nuôi bằng Thánh Thể.
Hội Thánh vừa lan rộng khắp nơi, vừa tập trung nơi Thánh lễ.
Ðó là nhịp thở đều đặn và cần thiết cho Hội Thánh.

Hội Thánh cũng là Hội Thánh được lãnh đạo bởi Simon Phêrô.
Phêrô tưởng tự mình có thể theo Thầy và chết vì Thầy,
nhưng ông đã chối Thầy như lời Thầy tiên báo.
Ba lần chối được hàn gắn bởi ba lần tuyên xưng tình yêu:
“Thầy biết rõ mọi sự. Thầy biết con yêu mến Thầy”
Ba lần tuyên xưng tình yêu đi đôi với ba lần giao sứ mạng:
“Hãy chăn dắt chiên của Thầy.”
Phêrô được chia sẻ sứ vụ mục tử của Thầy chí thánh,
cũng là chia sẻ thập giá của người hiến mạng vì đoàn chiên.
Hãy theo Thầy để đến nơi anh không muốn đến.
Có lẽ bây giờ Phêrô mới thật sự bước theo Thầy.

 

Gợi Ý Chia Sẻ

1. Chúa Phục Sinh vẫn đến với chúng ta trong đời thường, giữa lúc ta nhọc nhằn và tay trắng. Có khi nào bạn thấy Chúa đến với bạn và cho bạn một “mẻ cá lớn” không?

2. Bạn nghĩ gì về Hội Thánh Việt Nam? Ðó có phải là một Hội Thánh đầy tình huynh đệ, được sai đi, được nuôi dưỡng bằng các bí tích và được lãnh đạo bằng tình yêu không?

Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giêsu phục sinh
lúc chúng con tìm kiếm Ngài trong nước mắt,
xin hãy gọi tên chúng con
như Chúa đã gọi tên chị Maria đứng khóc lóc bên mộ.

 

Lúc chúng con chản nản và bỏ cuộc,
xin hãy đi với chúng con trên dặm đường dài
như Chúa đã đi với hai môn đệ Emmau.

 

Lúc chúng con đóng cửa vì sợ hãi,
xin hãy đến và đứng giữa chúng con
như Chúa đã đến đem bình an cho các môn đệ.

 

Lúc chúng con cố chấp và xa cách anh em,
xin hãy kiên nhẫn và khoan dung với chúng con
như Chúa đã không bỏ rơi ông Tôma cứng cỏi.

 

Lúc chúng con vất vả suốt đêm mà không đươc gì,
xin hãy dọn bữa sáng cho chúng con ăn,
như Chúa đã nướng bánh và cá cho bảy môn đệ.

 

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh,
xin tỏ mình ra
cho chúng con thấy Ngài mỗi ngày,
để chúng con tin là Ngài đang sống, đang đến,
và đang ở thật gần bên chúng con. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ