Có lẽ điều khó hiểu nhất trong mầu nhiệm thập giá là: Tại sao Thiên Chúa toàn năng không cứu Con của Ngài? Tại sao Đức Giêsu không tự cứu mình?
Ý nghĩa của việc Chúa chết trên thánh giá đối với nhân loại là gì?
Chúng ta đang ở trong những ngày cao điểm của Tuần Thánh. Đây là thời khắc linh thiêng và bi tráng nhất trong phụng vụ Kitô giáo. Ở trung tâm của Tuần Thánh là hình ảnh Chúa Giêsu bị đóng đinh trên thập giá. Với ánh mắt người đời, đây là cái chết nhấn chìm mọi hy vọng, nhưng với ánh mắt đức tin, đây là chiến thắng của tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại. Trước mầu nhiệm cao cả này, câu hỏi “Chúa chết vì ai?” không chỉ là một thắc mắc lịch sử, mà là một lời mời gọi dấn thân, chiêm ngắm và đáp trả. Thực vậy, trước khi vào đề tài, tôi xin nhắc lại lời này của thánh I-nhã, Đấng sáng lập Dòng Tên:
“Ðang khi suy về sự thương khó phải xin được thống khổ với Ðức Kitô thống khổ, tan nát tâm hồn với Ðức Kitô tan nát tâm hồn, được khóc lóc và đau đớn trong lòng về sự đau đớn dường ấy mà Ðức Kitô đã chịu vì tôi.” (Linh Thao 203).
Theo đó, đây không phải là câu chuyện khép kín trong quá khứ, mà là một biến cố mang tính cứu độ vĩnh viễn, có khả năng chạm đến trái tim từng người, ở mọi nơi, mọi thời.
1/ Một biến cố lịch sử, chính trị và tôn giáo
Để hiểu vì sao Đức Giêsu bị đóng đinh, cần nhìn nhận bối cảnh xã hội, tôn giáo và chính trị thời bấy giờ. Không ai bị kết án tử hình nếu không “gây nguy hiểm cho trật tự an ninh xã hội”. Đức Giêsu, qua lời rao giảng và cách sống của mình, đã nhiều lần khiến cả chính quyền Rôma lẫn giới lãnh đạo Do Thái cảm thấy bị thách thức.
Chúa Giêsu xuất hiện như một ngôn sứ rao giảng tình yêu, công lý và lòng thương xót. Tuy không trực tiếp tham gia chính trị, nhưng Ngài tác động mạnh mẽ đến dân chúng, quy tụ đám đông, chữa lành bệnh tật, giảng dạy có uy quyền. Điều này khiến vua Hêrôđê và tổng trấn Philatô lo ngại, như trình thuật Tin Mừng cho biết: “Xin ông đi khỏi đây, vì vua Hêrôđê đang muốn giết ông.” (Lc 13,31).
Hơn nữa, khi dân chúng tung hô Ngài là “vua” trong dịp lễ Lá, nguy cơ về một cuộc nổi dậy càng rõ ràng hơn trong mắt chính quyền. Tuy nhiên, Đức Giêsu không đến để thiết lập một vương quốc trần thế. Ngài nói với Philatô: “Nước tôi không thuộc về thế gian này” (Ga 18,36). Thế nhưng, việc rao giảng Nước Thiên Chúa lại bị hiểu nhầm và đánh giá là một mối đe dọa chính trị.
Trong suốt ba năm rao giảng, Chúa Giêsu nhiều lần lên án các kinh sư và biệt phái, tố cáo sự giả hình, hình thức và sự xa rời tinh thần yêu thương của Lề Luật. Ngài chữa bệnh vào ngày sabát, ngồi ăn với người tội lỗi, tiếp xúc với người bị xã hội loại trừ. Tất cả những hành vi ấy đã phá vỡ định kiến tôn giáo của người Do Thái đương thời. Hơn nữa, trong Bài Giảng Trên Núi, Đức Giêsu nhiều lần nói rất mạnh: “Anh em đã nghe luật xưa rằng… còn Thầy, Thầy bảo thật anh em…” (Mt 5,21-48). Đây là lời mời gọi hoán cải sâu xa, đụng chạm trực tiếp đến uy tín của giới lãnh đạo tôn giáo. Không lạ gì khi các thượng tế, luật sĩ và kỳ mục tìm cách loại trừ Đức Giêsu: “Thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt” (Ga 11,50).
Vì không có quyền xử tử ai, họ phải đưa Đức Giêsu đến Philatô, tố cáo Ngài là “kẻ tự xưng là vua”, một tội chống lại hoàng đế. Kết quả là một phiên tòa đầy oan sai đã xảy ra, và Con Thiên Chúa bị kết án tử trên thập giá.
2/ Cái chết của Tình Yêu cứu độ
Tuy cái chết của Chúa Giêsu diễn ra trong hoàn cảnh trên, nhưng Thiên Chúa an bài vẽ“đường thẳng trên những đường cong”. Có lẽ điều khó hiểu nhất trong mầu nhiệm thập giá là: Tại sao Thiên Chúa toàn năng không cứu Con của Ngài? Tại sao Đức Giêsu không tự cứu mình? Câu trả lời chỉ có thể tìm thấy trong chính chiều sâu của tình yêu tự nguyện và vâng phục đến cùng. Vì yêu nhân loại, Chúa Giêsu sẵn lòng chịu chết; vì vâng phục Chúa Cha, Chúa Giêsu vâng lời chịu đóng đi vào thập giá.
Có lẽ chúng ta thấy dấu vết sứ mạng thập giá ngay trong sứ vụ của Đức Giêsu. Ngài đã tiên báo ba lần rằng Ngài sẽ bị bắt, chịu đau khổ và bị giết chết (x. Mt 16,21; 17,22-23; 20,17-19). Nhưng Ngài không trốn chạy, không sợ hãi. Trái lại, khi đến “giờ đã định”, Ngài mạnh mẽ bước đi trên con đường khổ giá, như Tin Mừng Luca kể lại: “Ngài nhất quyết lên đường đi Giêrusalem” (Lc 9,51). Và trong giờ phút cuối, giữa nỗi sợ hãi và cô đơn, Ngài thốt lên: “Lạy Cha, nếu có thể, xin cất chén này xa con. Nhưng đừng theo ý con, mà theo ý Cha” (Mt 26,39). Đó là cao điểm của lòng tin và sự vâng phục.
Ngài không trốn chạy, không sợ hãi. Trái lại, khi đến “giờ đã định”, Ngài mạnh mẽ bước đi trên con đường khổ giá.
Theo ý trên, tôi muốn trích lại lời bình luận rất hay của Đức Bênêđictô XVI:
“Đức Giêsu đón nhận cái chết tự nội tâm Người và biến nó thành một cử chỉ yêu thương. Xem bề ngoài đó là chuyện tàn bạo dữ dội – việc đóng đinh vào thập giá – nhưng bên trong là hành vi yêu thương tận hiến toàn vẹn.”(Youcat 210).
Cái chết này không do con người áp đặt, mà Chúa Giêsu tự chọn lấy, như người mục tử hiến mạng sống vì đoàn chiên (x. Ga 10,11). Đây là điểm khác biệt căn bản giữa Chúa Giêsu và mọi “nạn nhân khác”: Ngài không chỉ chịu chết, mà hiến mạng sống vì yêu thương.
Chúa chết vì tôi
Nếu cái chết của Chúa Giêsu như bao người, thì chẳng có gì ghê gớm, chẳng có gì lay động lòng người. Nhưng thật tuyệt vời: Chúa chết vì từng người – vì tôi, vì bạn – một cách rất cá vị và cụ thể. Thánh Phaolô xúc động viết: “Người yêu mến tôi và hiến mạng sống vì tôi” (Gl 2,20). Không phải vì tôi xứng đáng, mà chính vì tôi yếu đuối, tội lỗi, đáng thương mà Ngài chết cho tôi. Theo nghĩa này, cái chết của Chúa Giêsu luôn mang chiều kích cứu độ, nghĩa là: “Thiên Chúa giải thoát, chữa lành và đưa tín hữu đến đời sống mới trong ân sủng nhờ Cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh của Chúa Giêsu Kitô.” (Từ điển Công Giáo, mục từ Cứu độ).
Cùng theo nghĩa trên, Thánh Phanxicô Assisi cảm nghiệm một cách tương tự: “Không phải ma quỷ đã đóng đinh Chúa Giêsu mà là chính bạn cùng với ma quỷ đã đóng đinh Người và còn đóng đinh Người bằng các ham thích thói xấu và tội lỗi.” (Youcat 97) Cũng thế, thánh Bernard de Clairvaux nhấn mạnh rằng:
“Khi bàn tay Chúa Giêsu bị đóng đinh vào thập giá, Người đã đóng đinh cả tội lỗi ta vào thập giá nữa.”
Như vậy, rõ ràng Thập giá không còn là hình phạt, mà là bằng chứng sống động của một Tình Yêu không điều kiện, một tình yêu đến cùng và mãi mãi.
Quý độc giả thân mến,
Trong ngày Thứ Sáu và Thứ Bảy tuần thánh, chúng ta hy vọng trong khi cử hành Cái Chết của Chúa Giêsu. Đây là biến cố chính Chúa Giêsu dùng tính mạng mình để đền thay tội lỗi cho tôi và cho bạn, để diễn tả lời yêu thương, tha thứ và hy sinh. Thập giá không đóng lại quá khứ, nhưng mở ra con đường hy vọng. Như Chúa Giêsu nói: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi; nhưng nếu chết đi, nó sẽ sinh nhiều bông hạt khác” (Ga 12,24). Cái chết ấy sinh hoa trái là cộng đoàn những người được cứu độ, là Giáo Hội, là tôi và bạn hôm nay.
“Chúa chết vì ai?” Thưa, Chúa chết vì nhân loại, vì tội lỗi, vì tình yêu, vì tôi và bạn. Mỗi người cần cá nhân hóa biến cố này như thánh Phaolô đã sống: “Tôi sống, nhưng không còn là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). Khi chiêm ngắm thập giá, ta không chỉ thấy khổ đau, mà còn thấy sự sống, niềm hy vọng và ơn cứu độ. Khi chiêm ngắm nấm mồ Chúa Giêsu, ta không chỉ thấy cái chết của một Thiên Chúa, nhưng còn chan chứa mong chờ ngày Chúa Nhật Phục Sinh.
Lm. Giuse Phạm Đình Ngọc, S.J