Tin Mừng theo thánh Gioan 2,1-11

1 Ngày thứ ba, có tiệc cưới tại Ca-na miền Ga-li-lê. Trong tiệc cưới có thân mẫu Đức Giê-su. 2 Đức Giê-su và các môn đệ cũng được mời tham dự. 3 Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Đức Giê-su nói với Người : “Họ hết rượu rồi.” 4 Đức Giê-su đáp : “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi ? Giờ của tôi chưa đến.” 5 Thân mẫu Người nói với gia nhân : “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo.”

6 Ở đó có đặt sáu chum đá dùng vào việc thanh tẩy theo thói tục người Do-thái, mỗi chum chứa được khoảng tám mươi hoặc một trăm hai mươi lít nước. 7 Đức Giê-su bảo họ : “Các anh đổ đầy nước vào chum đi !” Và họ đổ đầy tới miệng. 8 Rồi Người nói với họ : “Bây giờ các anh múc và đem cho ông quản tiệc.” Họ liền đem cho ông. 9 Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hoá thành rượu (mà không biết rượu từ đâu ra, còn gia nhân đã múc nước thì biết), ông mới gọi tân lang lại 10 và nói : “Ai ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon mãi cho đến bây giờ.” 11 Đức Giê-su đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Ca-na miền Ga-li-lê và bày tỏ vinh quang của Người. Các môn đệ đã tin vào Người. 

Tin Mừng Chúa nhật II Thường niên, năm C, sắp tới là câu chuyện tiệc cưới Ca-na (Ga 2,1-11) mà chúng ta rất quen thuộc. Nhưng có lẽ câu chuyện này cũng khiến chúng ta phải thắc mắc. Trước hết, tại sao khởi đầu các Chúa nhật Thường niên Năm C, mà phụng vụ lại không chọn một trích đoạn Tin Mừng theo thánh Lu-ca nhưng lại là một trình thuật trong Tin Mừng Gio-an ? Tiếp đến là khi Đức Ma-ri-a nói với Đức Giê-su rằng : “Họ hết rượu rồi” thì Đức Giê-su đã trả lời : “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi ?” Một câu trả lời xem ra khá lạnh lùng và kỳ lạ khi gọi thân mẫu mình là “bà” như thể là một lời từ chối.

Trong bài học hỏi tuần này, chúng ta sẽ tìm câu trả lời cho hai thắc mắc trên.

1. Tiệc cưới Ca-na và mầu nhiệm hiển linh

Trong một thánh thi cổ kính của phụng vụ lễ Hiển Linh, chúng ta đọc thấy như sau :

Ba nhà hiền sĩ một đêm sương,
Dõi ánh sao tua đã lên đường
Tìm Đấng tạo thành muôn ánh sáng
Dâng vàng một dược với nhũ hương.
Đấng chẳng hề mang tội nơi mình,
Nhưng vì nghĩa nặng với sinh linh
Nay xin thanh tẩy trong dòng nước
Mà rửa hồn ta sạch tội tình.
Ai không ­ngưỡng mộ quyền năng Chúa
Khi thấy từng chum nước đổ đầy
Người biến đổi thành – ôi phép lạ
Rượu ngon thiên hạ uống cho say.

Đoạn thánh thi trên, cùng lúc nhắc đến ba biến cố, trong đó có cả phép lạ tại Ca-na. Vậy, tiệc cưới Ca-na cũng mang ý nghĩa của lễ Hiển linh.

Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo cũng viết : “Hiển Linh là sự tỏ mình ra của Chúa Giê-su, như Đấng Mê-si-a của Ít-ra-en, là Con Thiên Chúa, và là Đấng Cứu Độ trần gian. Cùng với việc Chúa Giê-su chịu phép rửa ở sông Gio-đan và với tiệc cưới Ca-na, lễ này mừng kính việc “các đạo sĩ từ phương Đông đến thờ lạy Chúa Giê-su” (GLHTCG 528).

Như vậy cả ba sự kiện :

1/ Các hiền sĩ đến bái lạy hài nhi Giê-su tại Bê-lem ;

2/ Đức Giê-su chịu phép rửa trong sông Gio-đan ;

3/ Phép lạ tại Ca-na đều được nhìn trong ý nghĩa hiển linh của Thiên Chúa trong mầu nhiệm Ngôi Lời trở nên xác phàm, trong phép rửa khởi đầu sứ vụ công khai của Đức Giê-su, và trong mầu nhiệm tái sinh nhân loại nhờ A-đam mới là Đức Giê-su và E-và mới là Đức Ma-ri-a.

Thay vì mừng kính ba biến cố này trong một lễ duy nhất, Giáo hội đã trải ra thành ba lễ riêng biệt như “bộ ba” của lễ Hiển linh vậy. Trong phụng vụ hiện nay, câu chuyện tiệc cưới Ca-na chỉ được đọc trong Chúa nhật II Thường niên, Năm C, nhưng theo phụng vụ trước Công đồng Va-ti-ca-nô II, câu chuyện này được đọc hằng năm trong Chúa nhật thứ hai sau lễ Hiển linh.

Câu chuyện Ca-na là trình thuật duy nhất về một tiệc cưới thực sự, có Đức Giê-su, Đức Ma-ri-a và các môn đệ của Đức Giê-su tham dự. Tất cả những trình thuật khác trong Tin Mừng liên quan đến tiệc cưới đều là trong các dụ ngôn hoặc chỉ là một hình ảnh minh hoạ cho một giáo huấn nào đó của Đức Giê-su. Như vậy, đây là một sự kiện thật và làm nên một trong ba sự kiện mang ý nghĩa hiển linh. Tin Mừng Gio-an mời gọi chúng ta chiêm ngắm tiệc cưới Ca-na như một lễ hiển linh, trong đó, khi biến nước thành rượu, Đức Giê-su đã “bày tỏ vinh quang của Người” (Ga 2,11), vinh quang của Đấng tái tạo một nhân loại mới bởi chính Người là A-đam mới, cùng với Đức Ma-ri-a như E-và mới.

Trong trình thuật tiệc cưới Ca-na, tác giả Tin Mừng Gio-an kể rằng : “Ở đó có đặt sáu chum đá dùng vào việc thanh tẩy theo thói tục người Do-thái” (Ga 2,6). Số 6 là con số thiếu hụt, tượng trưng cho sự bất toàn của giao ước cũ cũng như của bản chất sa ngã nơi con người. Sự biến đổi kỳ diệu của sáu chum nước lã thành thứ rượu ngon hảo hạng diễn tả một cuộc tái sinh trong Ngôi Lời nhập thể. Dấu lạ không huỷ diệt nhưng biến đổi nước lã thành rượu ngon, cũng vậy bản chất sa ngã nơi con người cũ cũng được tái sinh thành con người mới trong Đức Ki-tô : “Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn” (Mt 5,17).

Một chi tiết nữa cũng mang ý nghĩa tái tạo, đó là : “Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hoá thành rượu, ông mới gọi tân lang lại và nói : ‘Ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon mãi cho đến bây giờ’” (Ga 2,9-10). Điều này hàm ý rằng rượu mới mà Đức Giê-su mang lại sẽ không bao giờ cạn kiệt. Đó là cuộc sáng tạo mới hay là cuộc tái sinh vào vương quốc của Thiên Chúa được khai mào nơi Đức Giê-su, không như cuộc sáng tạo cũ đã bị tội lỗi làm cho hư hoại, hay như giao ước cũ bất toàn.

“Dấu chỉ nước hóa thành rượu ở Ca-na đã loan báo Giờ vinh quang của Chúa Giê-su. Dấu chỉ này biểu lộ sự hoàn tất của bữa tiệc cưới trong Nước của Chúa Cha, nơi các tín hữu uống rượu mới đã trở thành Máu Đức Ki-tô” (GLHTCG 1335)

2. Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi ?”

Trong câu chuyện Ca-na, Đức Ma-ri-a đã can thiệp cho đám cưới khi đột nhiên bị hết rượu. Người nói với Đức Giê-su : “Họ hết rượu rồi”. Và hẳn là chúng ta rất ngạc nhiên trước câu trả lời của Đức Giê-su : “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi ? Giờ của tôi chưa đến” (Ga 2,4).

Cả hai lần Đức Ma-ri-a xuất hiện trong Tin Mừng Gio-an, tại tiệc cưới Ca-na (Ga 2,4) và dưới chân thập giá (Ga 19,26), Đức Giê-su đều gọi thân mẫu mình là “hỡi người đàn bà” hay“hỡi người phụ nữ” (γύναι trong tiếng Hy-lạp). Cách gọi này không là sự bất kính hay lạnh nhạt của Đức Giê-su với thân mẫu Người nhưng gợi nhớ đến St 3,15.20 nói về bà E-và : Đức Ma-ri-a là E-và mới, “mẹ của chúng sinh” đã được tái tạo. Và khi liên hệ với lời Đức Giê-su ngỏ với thân mẫu Người khi trao người môn đệ yêu dấu cho Mẹ : “Thưa bà, đây là con của bà” (Ga 19,26) thì đó là cách gọi trìu mến thiết tha.

Lời của Đức Giê-su : “Chuyện đó can gì đến bà và tôi ? Giờ của tôi chưa đến” (Ga 2,4b) là một kiểu nói Do-thái xem ra để từ chối một sự can thiệp chưa đúng thời đúng lúc (x. Tl 11,12 ; 2 Sm 16,10 ; 1 V 17,18). Nhưng phép lạ Đức Giê-su sau đó như câu trả lời rằng cho dù Người không có ý can thiệp vào chuyện hết rượu, nhưng Người đã làm dấu lạ vì sự can thiệp của thân mẫu Người.

Đức Ma-ri-a xuất hiện tại Ca-na và dưới chân thập giá, cũng là lúc khởi đầu và kết thúc sứ vụ của Đức Giê-su. Điều này xem ra hàm ý rằng Đức Ma-ri-a đã hiện diện trong suốt sứ vụ của Đức Giê-su với vai trò là “thân mẫu” và là “mẹ của chúng sinh” tại hai thời điểm quan trọng khi Đức Giê-su tỏ bày vinh quang của Người : vinh quang dấu lạ Ca-na và vinh quang thập giá.

Trong Tin Mừng Gio-an, Đức Ma-ri-a như biểu tượng của dân Chúa là Ít-ra-en. Cựu Ước thường ví dân Chúa như một người nữ, khi gọi là “thiếu nữ Xi-on” (Is 62,11), “con gái Xi-on” (Dcr 2,14) hay “thiếu nữ Giê-ru-sa-lem” (Xp 3,14). Và trong Tân Ước, dân mới là Hội Thánh được gọi là “hiền thê của Đức Ki-tô” (2 Cr 11,2 ; Ep 5,29). Tại tiệc cưới Ca-na, Đức Ma-ri-a đại diện cho một dân biết vâng phục và trung thành với Thiên Chúa. Mẹ đã hướng dẫn các gia nhân : “Người bảo gì, các anh cứ làm theo” (Ga 2,5). Mẹ là mẫu gương trung thành và khuyến khích lòng trung thành của các tin hữu.

“Tại Ca-na, Thân mẫu Chúa Giê-su cầu xin Con mình lo đến nhu cầu của bữa tiệc cưới. Bữa tiệc này là dấu chỉ của một Bữa tiệc khác, là tiệc cưới Chiên Con, Đấng ban tặng Mình Máu Người theo lời nài xin của Hội Thánh, Hiền Thê của Người. Vào giờ của Giao ước mới, gần bên thánh giá, Đức Ma-ri-a đã được nhận lời, với tư cách là Người Nữ, tức là bà E-và mới, đích thực là “Mẹ của chúng sinh.” (GLHTCG 2618).

Kết

Chúng ta kết thúc bài học hỏi này bằng việc chiêm ngắm Đức Ma-ri-a trong Tông sắc Năm Thánh 2025 của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô :

“Chứng tá hùng hồn nhất của niềm hy vọng là Mẹ Thiên Chúa. Nơi Mẹ, chúng ta thấy rằng niềm hy vọng không phải là sự lạc quan hão huyền, mà là một món quà ân sủng trong hiện thực cuộc sống […] Dưới chân thập giá, khi nhìn Chúa Giê-su vô tội phải đau đớn và phải chết, mặc dù đang khổ đau tột cùng, Mẹ vẫn lặp lại tiếng “xin vâng” mà không đánh mất niềm hy vọng cũng như niềm tin tưởng vào Chúa. Khi làm như thế, Mẹ đã vì chúng ta mà cộng tác nhằm thực hiện những gì Con của Mẹ đã nói khi loan báo rằng “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết, và sau ba ngày, sống lại” (Mc 8,31). Và trong nỗi đau dâng hiến vì tình yêu, Mẹ đã trở thành Mẹ của chúng ta, Mẹ của niềm hy vọng” (Spes non confundit, 24).