
PHÚC ÂM: Lc 6,27-38
27 “Thầy nói với anh em là những người đang nghe Thầy đây : hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, 28 hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em. 29 Ai vả anh má bên này, thì hãy giơ cả má bên kia nữa. Ai đoạt áo ngoài của anh, thì cũng đừng cản nó lấy áo trong. 30 Ai xin, thì hãy cho, ai lấy cái gì của anh, thì đừng đòi lại. 31 Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy. 32 Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì có gì là ân với nghĩa ? Ngay cả người tội lỗi cũng yêu thương kẻ yêu thương họ. 33 Và nếu anh em làm ơn cho kẻ làm ơn cho mình, thì còn gì là ân với nghĩa ? Ngay cả người tội lỗi cũng làm như thế. 34 Nếu anh em cho vay mà hy vọng đòi lại được, thì còn gì là ân với nghĩa ? Cả người tội lỗi cũng cho kẻ tội lỗi vay mượn để được trả lại sòng phẳng. 35 Trái lại, anh em hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả. Như vậy, phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao, và anh em sẽ là con Đấng Tối Cao, vì Người vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác.
36 “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ. 37 Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. 38 Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy.”
CÂU HỎI TÌM HIỂU
1. Đọc Lc 6,27. Theo bạn, chúng ta có thể yêu kẻ thù được không? Trong câu trên, “yêu kẻ thù” đồng nghĩa với thái độ nào? Đọc Xuất hành 23,4-5; Châm ngôn 25,21.
2. Đọc Lc 6,28. Bạn nghĩ gì về lời Đức Giêsu dạy khi ta phải nghe những lời nói gây tổn thương? Đọc Lc 23,34; Cv 7,60.
3. Đọc Lc 6,29. Bạn nghĩ gì về lời Đức Giêsu dạy ta cách ứng xử trước các hành vi bạo lực?
4. Đọc Lc 6,30. Bạn nghĩ gì về sự siêu thoát và quảng đại mà Đức Giêsu mời gọi trong câu này?
5. Đọc Lc 6,32-34. Tìm ba điểm Đức Giêsu đòi các môn đệ của Ngài phải cư xử khác với người tội lỗi.
6. Nếu chúng ta sống như Đức Giêsu dạy ở Lc 6,32-35, chúng ta sẽ nhận được những gì?
7. So sánh Lc 6,36 với Mt 5,48, có gì khác biệt? Để sống thương cảm, nhân từ như Cha trên trời, các môn đệ cần tránh làm điều gì và nên làm điều gì?
8. Theo bạn, bài Phúc Âm hôm nay có áp dụng được trong thực tế không? Đâu là bài học Đức Giêsu muốn dạy chúng ta?
GỢI Ý SUY NIỆM:
Bạn có nghĩ bài Tin Mừng này là một giáo huấn tuyệt vời về cách sống với tha nhân không? Thế giới sẽ ra sao nếu mỗi kitô hữu đều sống theo tinh thần của những giáo huấn này của Chúa Giêsu?
PHẦN TRẢ LỜI
1. Trong Lc 6,27 Đức Giêsu đòi các môn đệ “yêu các kẻ thù của anh em.” Ngoài ra Ngài còn đòi họ “làm ơn cho những kẻ ghét anh em.” Có thể nói, hai vế song song này có ý nghĩa tương đồng. Kẻ thù của chúng ta là những kẻ ghét chúng ta. Và yêu họ là làm ơn cho họ. Về mặt tình cảm tự nhiên, hẳn chúng ta không thể yêu kẻ thù của chúng ta như yêu một người thân, vì họ đã làm hại ta cách này cách khác. Tuy nhiên, về mặt hành động, ta vẫn có thể làm ơn cho một kẻ đã ghét ta, đã làm hại ta và đang là kẻ thù của ta, như sách Xuất hành đã dạy: “Nếu gặp bò hay lừa của kẻ thù đi lạc, người phải dẫn nó về cho người ấy. Nếu thấy lừa của kẻ ghét ngươi quỵ ngã vì chở nặng, người không được để mặc người ấy; ngươi phải giúp người ấy nâng lừa dậy” (Xh 23,4-5). Sách Châm ngôn cũng dạy: “Kẻ thù con có đói, hãy cho nó bánh ăn; nó có khát, hãy cho nước uống” (Cn 25,21).
2. Lời Chúa dạy ở Lc 6,28 liên hệ đến lời nói: chúc lành cho những kẻ nguyền rủa và cầu nguyện cho những kẻ vu khống mình. Theo phản ứng tự nhiên, chúng ta dễ công kích hay nguyền rủa lại. Đức Giêsu mời chúng ta vượt qua phản ứng tự nhiên để có thái độ siêu nhiên, dùng lời chúc lành để đáp lại lời nguyền rủa, dùng lời cầu nguyện để đáp lại lời vu khống. Lời Chúa dạy tuy khó nhưng không phải là không làm được. Đức Giêsu trên thập giá đã cầu nguyện, nài xin Cha tha thứ cho những kẻ giết mình (Lc 23,34). Khi bị ném đá cho chết, Stêphanô cũng cầu nguyện cho những giết mình: Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này (Cv 7,60).
3. Lời Chúa dạy ở Lc 6,29 liên hệ đến hành động. Đức Giêsu dạy ta cách phản ứng khi bị người khác dùng những hành vi bạo lực để ức hiếp mình: Ai vả má này thì đưa cả má kia nữa, ai đoạt áo ngoài thì để cho nó lấy cả áo trong (Lc 6,29). Đây là thái độ nhượng bộ hơn cả điều kẻ thù đỏi hỏi ! Khi đọc câu trên, ta thường nghĩ đây là một thái độ hèn yếu, chấp nhận chịu thiệt thòi, để tránh gây ra xung đột bằng mọi giá. Có người còn cho rằng sống ôn hòa hiền lành như vậy có thể làm cho những kẻ gây bạo lực trở nên tàn bạo hơn, chứ không giải quyết được gì. Đức Giêsu đã không nghĩ như vậy. Trái lại, Ngài coi đây là cách thức để hóa giải và vô hiệu hóa tận căn bạo lực giữa người với người. Ngài mời chúng ta ra khỏi thái độ ăn miếng trả miếng. Ngài tin rằng chính sự nhu thuận lại có thể khắc chế được sức mạnh thô bạo của người ác (x. Rm 12,21).
4. Qua Luca 6,30, Đức Giêsu mời ta hãy cho bất cứ ai xin ta. Và đối với kẻ đã lấy của cải ta có, thì ta đừng đòi lại. Có thể nói Đức Giêsu dạy ta ứng xử cách quảng đại với những người hành khất và cả với những tên trộm cướp. Không khư khư nắm chặt sự giàu có vật chất của mình, nhưng với tinh thần siêu thoát, chúng ta được mời gọi mở ra trước nhu cầu của những người thiếu thốn. Cả đối với kẻ đã lấy trộm đồ của mình, chúng ta cũng không cố đòi lại cho bằng được.
5. Luca 6,32-34 là ba câu có cùng một cấu trúc. Qua những câu này, Đức Giêsu cho thấy tại sao Ngài đòi hỏi các môn đệ phải có thái độ sống cao thượng hơn hẳn những người tội lỗi. Đối với Ngài, yêu mến kẻ yêu mến mình, làm ơn cho kẻ làm ơn cho mình, cho vay người mà mình hy vọng sẽ đòi lại được, những thái độ đó đâu có gì là đáng khen. Đó chỉ là chuyện có qua có lại thôi, “tôi cho anh để anh cho lại tôi” (do ut des). Cả những người tội lỗi cũng có thể sống như thế. Đức Giêsu mời các môn đệ vươn lên khỏi thái độ tự nhiên đó.
6. Đức Giêsu đã mời các môn đệ yêu kẻ thù, làm ơn và cho vay mà không mong được đền trả (Lc 6,35a). Sống như thế có thể bị người đời chê cười hay bị coi là dại dột. Tuy nhiên, các môn đệ sống thanh thoát, quảng đại, cam chịu thiệt thòi, bởi lẽ họ tin vào Đấng Tối Cao là Cha trên trời của họ. Chính Cha sẽ bù đắp và ban cho họ phần thưởng lớn lao, bởi vì Ngài là Đấng nhân hậu. Thiên Chúa không chỉ nhân hậu với người tốt, nhưng cả với kẻ vô ơn và quân độc ác (Lc 6,35). Khi cư xử nhân hậu với kẻ thù và ác nhân, chúng ta trở nên giống Thiên Chúa Cha, và trở thành con cái của Đấng Tối Cao. Đây là phần thưởng lớn hơn mọi phần thưởng vật chất khác.
7. Trong Mt 5,48 Đức Giêsu mời các môn đệ hãy nên hoàn thiện như Cha trên trời. Còn trong Lc 6,36 Đức Giêsu mời môn đệ hãy có lòng thương cảm, nhân từ như Cha. Lòng thương cảm đó cần được thể hiện ra đối với tha nhân (Lc 6,37-38). Chúng ta cư xử với tha nhân thế nào, thì Thiên Chúa sẽ cư xử với chúng ta như vậy. Có hai lời Đức Giêsu khuyên chúng ta đừng làm: đừng xét đoán và đừng lên án người khác, nhờ đó Thiên Chúa là Đấng thấu suốt lòng dạ con người, cũng sẽ không xét đoán và lên án chúng ta (Lc 6,37ab). Có hai lời Đức Giêsu khuyên chúng ta nên làm: hãy tha thứ và hãy cho, nhờ đó Thiên Chúa là nguồn mạch mọi ơn, sẽ ban cho chúng ta dồi dào gấp bội những gì chúng ta đã làm hay đã cho người khác (Lc 6,37c-38a).
8. Chắc nhiều kitô hữu thấy bài Phúc Âm hôm nay rất đẹp nhưng vượt quá sức con người. Có một số điểm khó áp dụng nếu hiểu theo nghĩa đen. Khi bị vả má bên này, hãy đưa má bên kia. Kẻ thù lấy áo ngoài, không cản nó lấy áo trong. Ai lấy đồ của mình thì đừng đòi, nếu cho vay thì đừng mong trả lại! Tuy nhiên, qua những lối nói trên đây, Đức Giêsu muốn chúng ta ngừng lại những hành vi bạo lực để trả đũa, và bắt chước Thiên Chúa nhân từ bằng cách yêu thương và làm điều tốt cho kẻ hại mình. Kitô hữu tin rằng chỉ tình yêu tha thứ mới thắng được hận thù và đem lại bình an đích thực cho thế giới.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ