Khao Khát Chúa: Cầu nguyện bằng Thánh Vịnh (bài 4)

Giới thiệu:

Đây là cuốn sách khai tâm cho những người muốn cầu nguyện bằng Thánh Vịnh. Khi đọc phụng vụ giờ kinh thường thường chúng ta cảm thấy khô khan, khó hiểu. Hãy đọc cuốn sách này và bạn sẽ thấy một đổi thay hết sức bất ngờ.

                                       Linh mục Mỹ Sơn giáo phận Long Xuyên

Bài ba

THÁNH VỊNH 6

Phần 2 – Thánh vịnh của bệnh nhân

“Đọc” thánh vịnh 6

Bây giờ chúng ta cùng nhau đọc thánh vịnh 6; để suy gẫm, chúng ta có thể chia thánh vịnh này thành ba phần. Ba phần này thấy rất rõ trong thánh vịnh.

1. Phần thứ nhất (tới câu 6) là lời cầu nguyện trực tiếp, dùng từ xưng hô “Chúa”. Con người đau khổ nói lên nỗi lòng của mình qua lời than vãn và những lời cầu xin đầy tin tưởng vào Thiên Chúa mà người ấy biết Ngài rất gần gũi: “xin đừng trách mắng con… đừng sửa trị con … xin đoái thương con… chữa lành cho… xin trở lại mà giải thoát con, cứu độ con.” Đó là một chuỗi những diễn tả, những khẩn nài mà con người trong hoàn cảnh đau khổ không thể không nói với Thiên Chúa: người ấy không còn chịu đựng được nữa.

2. Phần thứ hai được xác định bởi từ “con”, đó là hai câu 7 và 8. Con người trở về với chính mình, và nói ở ngôi thứ nhất: “Con mệt mỏi, trên giường ngủ, những thổn thức năm canh, từng giọt vắn dài, lệ tuôn đẫm gối, mắt hoen mờ vì quá khổ đau…” Người ấy chiêm ngắm, nhìn lại mình: con trở thành người đau khổ như vậy đó!

3. Phần thứ ba trình bày sự đổi cảnh; thình lình mọi sự đều thay đổi, và tác giả thánh vịnh sung sướng kêu lên: “CHÚA đã nghe… CHÚA đã nghe tiếng… CHÚA đón nhận…” và để làm mạnh mẽ cho ba lần khẳng định này, tác giả nói đến sự trốn chạy của kẻ thù: “vội tháo lui, nhục nhã ê chề!” Như vậy, sự khẳng định trọng tâm là: Chúa nghe lời tôi cầu xin;  hỡi bọn làm điều ác, hãy tránh xa tôi.

Đó là ba phần của thánh vịnh: phần thứ nhất là “Ngài”, phần thứ hai là “con”, phần thứ ba là sự khẳng định khách quan về việc được chữa lành: “Chúa đã nghe lời cầu xin”.

Chúng ta hãy xem bệnh nhân trình bày thế nào, qua ba phần này cách vắn gọn; người bệnh cảm thấy bị Thiên Chúa khinh khi, trách phạt, trong cơn giận của Ngài: người bệnh thấy kiệt sức, gân cốt rã rời, tâm trí đảo lộn. Người bệnh cảm thấy từ lúc này gần kề với vương quốc kẻ chết, nơi không còn lên tiếng được nữa, nơi, đối với người Do Thái, tất cả là bóng tối và chấm dứt mọi hoạt động.

Người bệnh tiếp tục trình bày trong phần thứ hai: người ấy kiệt sức, nước mắt ướt đẫm giường nằm, mắt mờ đi, bị đè bẹp dưới gánh nặng của áp bức và xúc phạm. Thực sự, căn bệnh không được nói tới: xương cốt rụng rời có thể là dấu hiệu của cơn sốt, nhưng đó không phải là sự chẩn đoán y khoa. Đúng hơn, đó là diễn tả một kinh nghiệm về sự tan rã, sự suy sụp: không còn làm gì được nữa. Người bệnh trình bày như thể bệnh đã nhập vào đầu, như thể người ấy cảm nghiệm được sự mong manh của mình. Nhưng đây là kinh nghiệm mà người bệnh trải qua trước mặt Chúa, người ấy biết rõ rằng mọi sự xảy ra đều nằm trong chương trình của Thiên Chúa, và cảm thấy bệnh tật như một hình phạt.

Cho tới lúc này, nếu chúng ta có thể diễn tả lối văn vần như tác giả thánh vịnh 6, người đã sống cách chúng ta 2500 năm, chúng ta cảm thấy, đối với não trạng của chúng ta, một điều gì đó làm chúng ta nghĩ khác: “Lạy Chúa, đừng trách phạt con trong cơn giận của Ngài, đừng giận dữ con, lạy Chúa, xin hãy thương xót con … Lạy Chúa, xin hãy chữa con lành… Lạy Chúa, xin hãy trở lại giải thoát con.”

Ở đây, có hai điều được nói tới.

Thứ nhất, Thiên Chúa có thể giải thoát. Đó là điều chắc chắn tuyệt đối: ngay cả một cuộc sống tàn tạ cũng nằm trong tay Thiên Chúa quyền năng.

Thứ hai, có một cảm nhận này: con người tôi dính liền với tội lỗi tôi, dính liền với sự tàn tạ, trái với điều mà tôi phải là.

Hiểu khía cạnh này hơi khó, bởi vì chúng ta nhớ câu Chúa Giêsu nói ở chương 10, Tin Mừng Gioan, khi các môn đệ hỏi Người về người mù bẩm sinh: “Ai đã phạm tội, anh ta hay cha mẹ anh ta?” và Chúa Giêsu trả lời: “Không phải anh ta, cũng không phải cha mẹ anh ta, nhưng là để vinh quang Thiên Chúa được tỏ lộ.”

Chúa Giêsu không nhận có mối liên quan trực tiếp giữa bệnh tật và tội lỗi. Tuy nhiên, tôi (Martini) tin rằng, để hiểu điều này, chúng ta không được xem xét dưới khía cạnh cá nhân (người đó cảm thấy mình bệnh tật vì đã phạm tội), nhưng  phải có cái nhìn rộng hơn: người đau ốm kinh nghiệm nơi bản thân sự suy đồi của nhân loại suốt dòng lịch sử, đây là một trong những bộ mặt của tội lỗi. Cũng như cái chết là bộ mặt cụ thể của sự tàn phá trong lịch sử phát xuất từ việc chối bỏ Thiên Chúa và sự sống, bệnh tật, như một dự báo cái chết, là hình ảnh của cái chết, một trong những thực tại tiêu cực mà con người đã chọn, hiện diện trong lịch sử. Theo nghĩa này, chúng ta có thể xin được giải thoát, không nhất thiết khỏi tội lỗi đã phạm, nhưng khỏi những hậu quả của hoàn cảnh lịch sử đau khổ mà chúng ta đang bị nhận chìm trong đó: hoàn cảnh được đánh dấu bằng tội lỗi, bệnh tật và cái chết. Con người trong thánh vịnh này sống sự đau khổ của riêng mình cách rất thực tế, anh không lầm lẫn về vấn đề này, anh xoay sở hết cách, nhưng trong tất cả những xoay sở này, anh luôn tin Thiên Chúa là Đấng tuyệt đối, cũng như luôn giữ sự khiêm tốn và vâng theo ý định của Thiên Chúa. Giữ thái độ này không phải là điều dễ dàng vì nó đòi phải cầu nguyện một cách sâu xa để tránh sự không hiểu. Với cầu nguyện và khiêm tốn, chúng ta có thể hiểu được sự thật của lời này, sự thật chúng ta phải diễn dịch bằng ngôn ngữ của riêng mình, và có thể nó sẽ giúp chúng ta trong những hoàn cảnh tương tự, để sống, không phải như một sự nổi loạn, nhưng như một đón nhận khiêm tốn những gì do thân phận con người mà có, và với ước muốn được Thiên Chúa quyền năng cứu thoát. Tôi (Martini) chợt nhớ đến trường hợp con người bị đặt vào những giới hạn tận cùng của thử thách. Đó là Chúa Giêsu vào giờ chết đã thốt lên: “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?”  và sau đó: “Lạy Chúa, con phó thác hồn con trong tay Chúa.” Đó là một thực tế hai mặt: chúng ta ở tận cùng giới hạn của sức chịu đựng loài người, của một con người sắp nổ tung trong thất vọng và phạm thượng, đồng thời, chúng ta cũng sống những hoàn cảnh này trong đón nhận một Thiên Chúa quan phòng và tốt lành. Trong một vài dòng, một điều gì rất cao cả đã được diễn tả, điều cao cả đó con người chỉ đạt tới qua đau khổ, kiên trì và  cầu nguyện. 

Bây giờ, chúng ta cùng nhau xem phần cuối cùng, bắt đầu từ câu 9: “Đi cho khuất, hỡi bọn làm điều ác, vì CHÚA đã nghe tiếng nức nở ta rồi, CHÚA đã nghe tiếng ta cầu khẩn, CHÚA đón nhận lời ta nguyện xin. Ước gì hết mọi kẻ thù tôi phải nhục nhã, rụng rời kinh khiếp, vội tháo lui, nhục nhã ê chề!” Người nói điều này coi như xác nhận một biến cố mà người ấy biết chắc chắn sẽ xảy đến: và điều đó xảy đến là nhờ niềm hy vọng của anh. Anh không nói: tôi được chữa lành, anh không tả lại việc anh được chữa lành hoặc sức mạnh trở lại với anh. Trong các Tin Mừng, chúng ta có những mô tả tương tự (người bại liệt vác giường lên vai) và trong Công vụ tông đồ, ví dụ khi nói về người què được Phêrô chữa ở Cửa Đẹp đền thờ: “Lập tức bàn chân và xương mắt cá của anh trở nên cứng cáp. Anh đứng phắt dậy, đi lại được…” Trong câu chuyện này, sự chữa lành không được tả lại. Hiểu sâu hơn, chúng ta có thể nghĩ người bệnh chưa được lành bệnh, nhưng hy vọng.

Người bệnh trong thánh vịnh đã trải qua từ cảm giác một cuộc sống tàn tạ đến sự tỏ lộ một niềm tin sâu xa trong cầu nguyện, và vào một lúc nào đó, anh bước vào niềm hy vọng, anh cảm nhận điều này: Thiên Chúa đã nhận lời cầu nguyện của tôi, và nhờ được nhận lời, tôi sẽ thay đổi, thoát khỏi cảnh tàn tạ, sự chữa lành sẽ đến, có lẽ nó đang trên đường đến, có lẽ nó đã đến mà tôi chưa nhận ra. Chỉ điều này là quan trọng: tôi tin chắc Chúa nghe tiếng tôi rên rỉ, ngài nghe tiếng tôi khẩn cầu, ngài nhận lời tôi cầu xin. Bao quanh tôi, là những kẻ thù. Kẻ thù đó là tất cả những ai lợi dụng tôi trong lúc tôi suy yếu để khinh khi tôi, cười nhạo tôi, cướp bóc những gì tôi có. Ở đây, chắc chắn, chúng ta có hình ảnh về một xã hội xấu xa, đầy bạo lực, trong xã hội ấy, kẻ thù sẽ đứng xa bao lâu người ta còn có thể chống trả, nhưng ngay khi sức lực suy yếu, mọi sự sẽ kết thúc. Từ giờ trở đi, người ấy sẽ không thể làm chủ cuộc sống của mình vì cuộc sống ấy bị kẻ thù vây quanh, canh chừng, và chờ chực lợi dụng sự bất lực để bắt phải tôn trọng chúng. Nhưng thình lình, khi niềm hy vọng chỗi dậy trong con người bệnh tật ấy, anh cảm thấy mọi việc như thế sẽ không còn nữa, anh cảm thấy trong anh có sức mạnh để chiến thắng và mở ra con đường giải thoát; và điều đó xảy đến vì Chúa đã nghe lời anh.

Toàn bộ thánh vịnh 6 đều diễn ra trong hai thời điểm: “Xin thương xót con, lạy Chúa”, và “Chúa đã nhận lời”, đó là hai giai đoạn trên bước đường đời của con người.

Một vài câu hỏi

Để kết thúc những suy tư, chúng ta có thể tự hỏi: tất cả những điều đó muốn nói với tôi điều gì?

Thánh vịnh đặt ra cho chúng ta một số câu hỏi sau:

1. Câu hỏi thứ nhất liên quan đến điều chúng ta vừa nhấn mạnh ở trên, đó là một phương trình hai vế: một bên là ca tụng và bên kia là sự sống: có bao giờ tôi đã trải qua kinh nghiệm như vậy chưa?  Một niềm vui tan chảy trong ca ngợi vô tư, trong ca tụng mà con người một cách nào đó như lấy được tự do của riêng Thiên Chúa? Lời ca tụng như vậy vượt trên lời cám ơn, vì theo một nghĩa nào đó, sự cám ơn được đo lường theo ơn huệ đã nhận, và có thể được quan niệm như một sự trao đổi. Trái lại, lời ca tụng chính là tan chảy vào thế giới bên kia: lạy Chúa, chúng con ca tụng Chúa vì vinh quang và quyền năng Chúa, chúng con ca tụng Chúa vì Chúa cao cả; lạy Chúa, chúng con ca tụng Chúa vì Chúa là Thiên Chúa. Hay như Thánh kinh đôi khi nói đến, khi dâng hiến một điều gì đó cho Thiên Chúa: Lạy Thiên Chúa toàn năng, ca tụng, vinh quang, quyền năng và lời chúc tụng đều thuộc về Chúa.

            Người tan chảy trong những lời cầu nguyện này sẽ tìm thấy lại chính mình, nói cách khác, người ấy cảm thấy mình được sinh ra để ca tụng, cảm thấy rằng trong thái độ này, người ấy tìm lại được bản chất đích thực của mình, người ấy tìm lại được sự trong sáng của con người mình, một con người được tạo dựng để yêu mến, để tự hiến trong ca tụng.

Có lẽ vì thế lời ca tụng rất hiếm thấy trong lời cầu nguyện của chúng ta, hoặc chỉ như điều gì đó được thêm vào, phụ thuộc; nhưng hãy thử lấy lời ca tụng làm lời cầu nguyện và chúng ta sẽ thấy một hứng khởi nội tâm, một tự do khi chân thành và nghiêm chỉnh đặt mình vào dòng chảy của ca tụng.

2. Chúng ta có thể diễn tả câu hỏi thứ hai: khi tôi đau khổ, tôi có thể diễn tả những nỗi đau của tôi bằng lời cầu nguyện đầy tin tưởng như vậy không? Chúng ta có thể cầu nguyện khi chúng ta còn hơi sức, nhưng khi không còn một lối thoát nào, chúng ta còn có thể thiết tha cầu nguyện chăng? Đối với con người của thánh vịnh 6, một con người đã tiến đến những giới hạn của cuộc sống, chỉ còn niềm hi vọng vào Thiên Chúa và niềm hi vọng này rất rõ ràng, không một chút hàm hồ. Trong những hoàn cảnh hầu như hoàn toàn tuyệt vọng như vậy, chúng ta có thể diễn tả niềm hi vọng vững vàng và sự khẩn cầu tha thiết như thế chăng?

3. Một câu hỏi khác phát sinh, nhất là về phần cuối cùng: như thánh Phaolô nói, chúng ta có thể vui mừng trong hi vọng, nghĩa là trong hi vọng rằng Thiên Chúa nghe lời chúng ta, rằng Thiên Chúa đã nghe lời chúng ta? Khi nào chúng ta có thể nắm bắt sự nghe lời này trong kinh nghiệm của Giáo Hội? Chúng ta biết rõ có rất nhiều bệnh nhân: một vài bệnh nhân (và có lẽ tất cả chúng ta đều sẽ trải qua kinh nghiệm này) chịu đựng bệnh tật như một gánh nặng quá sức, rồi vào một lúc nào đó, họ thay đổi và sống cùng một kinh nghiệm đó trong hi vọng, trong sáng tỏ, với tự do của con tim, làm tất cả chúng ta đều sững sờ. Hiển nhiên, họ đã đi từ lời khẩn cầu hầu như tuyệt vọng đến tin tưởng chắc chắn rằng, dù điều gì xảy ra đi nữa, Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi họ.

4. Sau cùng, khi đọc đi đọc lại thánh vịnh này, chúng ta còn có thể tự hỏi: chúng ta có biết cách làm một cuộc hành trình đi từ sự buồn sầu đến hi vọng không? Điều gì nổi trội trong chúng ta? Chúng ta có thể nhận thấy mình cách dễ dàng nhất trong giai đoạn nào của thánh vịnh? Trong những lời khẩn cầu làm chúng ta hướng cái nhìn về Thiên Chúa, trong những mô tả cho thấy chúng ta chỉ lo lắng cho chính mình, hay trong những tuyên xưng làm nảy sinh trong chúng ta sự tin chắc Thiên Chúa ở gần bên?